Ngày 05 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã xin làm phụ bếp trên con tàu Amiral Latouche Tréville rời thương cảng Sài Gòn đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Sau 30 năm qua Pháp và nhiều nước, châu lục khác nhau, Người trở về đất nước trực tiếp lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đứng lên giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc. Để ghi nhớ sự kiện trên, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà Rồng (1862), được cải tạo làm Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 2 tháng 9 năm 1979, nơi đây đã mở cửa đón khách tham quan trưng bày về “Sự nghiệp tìm dường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đến tháng 10 năm 1995, UBND TP. Hồ Chí Minh ra Quyết định đổi tên Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, Bảo tàng được xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Thành phố và là một trong những điểm du lịch hấp dẫn được UBND TPHCM công nhận. Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng đã thực sự trở thành địa chỉ đỏ góp phần giáo dục về lịch sử, về cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt là địa điểm xây dựng cơ sở dữ liệu thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Thành phố mang tên Bác.