Chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gồm 53 hình ảnh, 43 tư liệu và 12 câu trích.
Hồ Chí Minh là một lãnh tụ rất quan tâm và bàn nhiều đến vấn đề đạo đức, Người vừa là một nhà đạo đức học lớn, lại vừa là một tấm gương đạo đức trong sáng nhất, tiêu biểu nhất, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ”.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Người luôn coi trọng cả Đức và Tài, nhưng Đức là gốc, Tài phải lấy Đức làm cơ sở.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những chuẩn mực đạo đức: Trung với nước, hiếu với dân. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Yêu thương tôn trọng con người. Tinh thần quốc tế trong sáng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra các biện pháp xây dựng nền đạo đức cách mạng Việt Nam: Học tập và tu dưỡng đạo đức suốt đời. Xây đi đôi với chống, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tự phê bình và phê bình. Nêu gương đạo đức Nói đi đôi với làm.
Không chỉ giáo dục mọi người về đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm túc thực hiện các phẩm chất đạo đức, do đó tấm gương đạo đức của Người thuyết phục ở điểm: Người sống như những điều Người dạy. Cuộc đời của Người là tấm gương không chút bụi mờ. Bạn bè quốc tế cũng ngưỡng mộ và kính trọng Người. Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương sáng về nhân cách con người cho mọi thế hệ noi theo.
Thực hiện Di chúc của Người, toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ góp phần điều chỉnh hành vi, đạo đức của người Việt Nam, một trong những điều kiện quan trọng làm trong sạch Đảng và làm lành mạnh đời sống đạo đức của toàn xã hội.