LỄ RA MẮT SÁCH “ĐOÀN VĂN CÔNG GIẢI PHÓNG R – MỘT DẤU ẤN LỊCH SỬ” VÀ KHAI MẠC TRIỂN LÃM TRANH THIẾU NHI CHỦ ĐỀ “THÀNH PHỐ XANH – ĐẸP NHƯ TRONG TRANH"

Đăng ký tham quan

LỄ RA MẮT SÁCH “ĐOÀN VĂN CÔNG GIẢI PHÓNG R – MỘT DẤU ẤN LỊCH SỬ” VÀ KHAI MẠC TRIỂN LÃM TRANH THIẾU NHI CHỦ ĐỀ “THÀNH PHỐ XANH – ĐẸP NHƯ TRONG TRANH"

Ngày đăng: 07/06/2025
In trang
Cỡ chữ

    Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025); 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025); 114 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/6/2025), sáng ngày 05/6/2025, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ ra mắt Sách "Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử”

    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh. Để làm trọn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng. Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết". 

    Giữa những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn Văn công Giải phóng R (thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam) ra đời. Dù chỉ gần 15 năm kể từ khi thành lập cho đến ngày giải phóng, Đoàn Văn công Giải phóng R đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình với khẩu hiệu “Bộ đội còn xem thì văn công còn diễn”, “Thà chết sau hậu trường chứ không thể bỏ tiết mục”… Những câu khẩu hiệu nổi tiếng đó phần nào thể hiện truyền thống của Đoàn Văn công Giải phóng R, là một trong những trang sử vẻ vang, nhưng cũng đầy bi tráng thời hoa lửa của lịch sử cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

    Qua câu chuyện các cô, chú kể hôm nay, chúng ta cảm nhận như tất cả đang hiện diện đầy sống động như những thước phim quay chậm về lịch sử một thời oanh liệt. Bằng bản lĩnh kiên cường, nhiệt huyết tuổi trẻ; tinh thần không ngại gian khổ, hy sinh, “vượt qua khói bom và hát trong lửa đạn”, đội ngũ Đoàn Văn công Giải phóng R vừa là nghệ sĩ, vừa là chiến sĩ, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh. Nhiều người đã ngã xuống trên chiến trường, gửi lại tuổi thanh xuân nhưng tiếng hát, lời thơ, điệu múa của người chiến sĩ văn công giải phóng vẫn vang vọng mãi trong lòng những thế hệ tiếp nối. Họ là minh chứng tiêu biểu cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật cách mạng miền Nam và nghệ thuật giai đoạn hiện nay. 

    Từ thực tiễn chiến trường sôi động, những tác phẩm đầu tiên của “nền văn nghệ sinh ra từ trong máu lửa” đã ra đời như bài hát: “Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn”, “Người sống mãi trong lòng miền Nam”, “Câu hát bông sen”, “Đâu có giặc là ta cứ đi”… cùng với những dấu ấn đậm nét của các tên tuổi lớn như: Phạm Minh Tuấn, Vĩnh Bảo, Thế Hải, Trần Mùi, Phan Thao, Lư Nhất Vũ, Hồ Bông, Thanh Trúc, Phan Miêng, Hoàng Việt, Kpa Y Lăng, Hoài Mai. Hay những kịch bản “Hoa dung đạo”, “Trăng lên khỏi núi”, bài ca cổ “Tía em chúa sợ xe lội nước” của nhà văn Lý Văn Sâm, chính uỷ Đoàn…, Soạn giả: Trần Hữu Trang, Mười Đờn, Thanh Hiền, Phạm Ngọc Truyền, Ngọc Cung; Đạo diễn: Bích Lâm, (đạo diễn, biên kịch) Ngô Y Linh; Biên đạo múa Thái Ly; Ca sĩ Tô Lan Phương; Nghệ sĩ múa Phi Yến; Diễn viên Huỳnh Anh, Phạm Minh Thu, Quốc Hòa, Mỹ Long, Vũ Việt Cường, Hoàng Dũng, Hồng Cúc, Nguyễn An Long, Kiều Xuân Long, Vũ Thành... Những tác phẩm mang hơi thở của chiến trường và nhịp sống kháng chiến đã có sức lay động lớn lao, góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt, tiến tới đại thắng mùa Xuân năm 1975. 

    Sau ngày thống nhất đất nước, những hạt giống nghệ thuật do Đoàn Văn công Giải phóng gieo trồng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành nền tảng vững chắc cho sự hình thành và lớn mạnh của các đơn vị nghệ thuật lớn của Thành phố Hồ Chí Minh như Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Kịch Thành phố… Các đơn vị không chỉ kế thừa tinh thần nghệ thuật cách mạng mà còn tiếp tục sáng tạo, mang hơi thở của thời đại mới vào từng tác phẩm, góp phần đưa nền nghệ thuật nước nhà phát triển lên một tầm cao mới. 

    Cuốn sách “Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử” là công trình tâm huyết được Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số văn nghệ sĩ Đoàn văn công Giải phóng ấp ủ, xây dựng ý tưởng biên soạn với mong muốn mang đến cho độc giả cái nhìn mang tính hệ thống, toàn diện hơn về một giai đoạn đặc biệt của nghệ thuật nước nhà. Công trình được triển khai trong khoảng hai năm với sự quyết tâm lớn, những nỗ lực của cả một tập thể, trong đó có những người như Đ/c Lưu Thị Tuyết Trinh - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, NSƯT Phi Yến, nhà văn Lê Minh Quốc… Và còn nhiều người đã đóng góp âm thầm với mục tiêu cuốn sách được ra đời nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Công trình thể hiện tình cảm sâu sắc, tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, văn nghệ sĩ thế hệ hôm nay đối với truyền thống đầy tự hào của nền văn nghệ giải phóng; là sự tôn vinh những đóng góp đặc biệt của các cán bộ, diễn viên, nghệ sĩ Đoàn Văn công Giải phóng nhiều thời kỳ. Cuốn sách “Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử” còn truyền tải những thông điệp cao đẹp về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của những con người đã biến nghệ thuật thành vũ khí chiến đấu; đồng thời tiếp tục “truyền lửa” thắp sáng ngọn lửa đam mê nghệ thuật trong lòng các thế hệ kế thừa. 

    Trong hành trình thực hiện, với sự nỗ lực lớn trong việc sưu tầm, biên soạn, nhưng cũng không thể tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu từ các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và độc giả để có thể tiếp tục hoàn thiện và tái bản trong tương lai. 

    Nhân sự kiện ra mắt sách lần này, thế hệ hôm nay xin mượn lời nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn - người nghệ sĩ tiền phong của Đoàn, gửi đến những cô, chú đã về miền mây trắng: “Bên những cánh rừng, những ngọn đồi, con suối, những khúc sông chảy xiết vào mùa nước nổi, bao năm tháng ngủ rừng, bao lần chui địa đạo, ăn đói “gạo hẩm cầm hơi”, vượt qua “đồng chó ngáp”, “một điếu thuốc chia đôi”... Họ đã sống bằng măng rừng, cải trời, rau tàu bay, bắp khô, củ chụp, củ báng, lá rừng chấm nước muối nhưng cũng có lúc được ăn tươi khi săn được con mễn, con nai, câu được con cá, trúm được con lươn... Họ cũng thật hồn nhiên đi chân không dép bước trên con đường nhựa vừa được giải phóng hoặc vượt sông Cửu Long giữa ban ngày trước họng súng kẻ thù. Có đồng chí bị giặc bắt vẫn sáng tác bài hát và dạy cho bạn tù hát, có đồng chí bị giặc bắt đã vượt ngục v.v...” lời tri ân sâu sắc và nguyện bước tiếp bằng niềm tự hào và sự kế thừa xứng đáng. 

     Cũng trong sáng nay, nhân ngày Môi trường thế giới (5/6), Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh khai mạc triển lãm tranh thiếu nhi chủ đề “Thành phố xanh – Đẹp như trong tranh”.

    Triển lãm không chỉ là một không gian nghệ thuật, mà còn là nơi hội tụ những khát vọng xanh đến từ thế hệ mầm non – những “kiến trúc sư của ngày mai”. Các em nhỏ, bằng nét vẽ hồn nhiên nhưng đầy cảm xúc, đã kể lại giấc mơ về một thành phố trong lành, nơi con người và thiên nhiên chung sống hài hòa. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một thông điệp môi trường chân thành gửi gắm đến người lớn, đồng thời là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về vai trò của nghệ thuật trong giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Từ tranh vẽ đến nhận thức, từ cảm xúc đến hành động, triển lãm “Thành phố xanh – Đẹp như trong tranh” là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh lan tỏa của sáng tạo nghệ thuật trong đời sống cộng đồng. 

    Một số hình ảnh tại Lễ ra mắt Sách “Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử” và triển lãm tranh thiếu nhi chủ đề “Thành phố xanh – Đẹp như trong tranh”.

     

     

    Các đại biểu giao lưu tại Lễ ra mắt sách Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử”

     

     

    Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao
    Thành phố Hồ Chí Minh tặng hoa cho các đại biểu giao lưu tại Lễ ra mắt sách
    Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử”

     

     

    Nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ về quá trình biên soạn sách Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử”

     

     

    Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao
    Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ ra mắt sách
    Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử”

     

     

    Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Lễ ra mắt sách Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử”

     

     

    Khách tham quan triển lãm tại Lễ ra mắt sách Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử”

     

     

    Sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tham quan triển lãm tranh chủ đề “Thành phố xanh – Đẹp như trong tranh”

     

    Sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tham quan triển lãm tranh chủ đề “Thành phố xanh – Đẹp như trong tranh”

     

     

    Khách tham quan xem triển lãm tranh chủ đề “Thành phố xanh – Đẹp như trong tranh”

     

     

    Các em thiếu nhi thích thú khi được xem các tác phẩm trưng bày tại triển lãm tranh chủ đề “Thành phố xanh – Đẹp như trong tranh”

     

     

     

     

     

     

     

     
    Ghi rõ nguồn bennharong.vn khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.