'Sửa đổi lối làm việc': Kim chỉ nam trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Đăng ký tham quan

'Sửa đổi lối làm việc': Kim chỉ nam trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Ngày đăng: 24/09/2024
In trang
Cỡ chữ

    75 năm đã trôi qua, những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra và nhấn mạnh phải “sửa đổi” trong tác phẩm vẫn luôn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động cho toàn Đảng và mỗi Đảng viên.

    Tác phẩm 'Sửa đổi lối làm việc' của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: BTHCM

    Mùa thu tháng 10/1947, khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ mới ra đời được hai năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một tác phẩm đặc biệt quan trọng, ký tên X.Y.Z, để huấn luyện, giáo dục, rèn luyện phương pháp, đạo đức và phong cách làm việc cho cán bộ đảng viên. Đó là tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc."

    75 năm đã trôi qua nhưng những tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị, có tính thời sự cấp thiết và đang tiếp tục soi sáng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ta luôn vững mạnh.

    Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” - cẩm nang chỉ dẫn hành động

    Năm 1947, tức là sau hai năm Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách. Qua thực tiễn đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền non trẻ, đội ngũ cán bộ, đảng viên của chúng ta đã bắt đầu bộc lộ những biểu hiện tiêu cực, những hạn chế trong cách thức, lề lối, tác phong làm việc.

    Những biểu hiện đó nếu chậm được phát hiện và sửa chữa sẽ ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của nhân dân, thậm chí của cán bộ, đảng viên đối với Đảng và chính quyền, từ đó ảnh hưởng tới toàn bộ sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.

    Nhận thức sâu sắc tình hình trên, nên dù rất bận và phải dành nhiều tâm lực, trí lực lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, tại An toàn khu (ATK) Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian để viết và hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc,” làm tài liệu cho tổ chức đảng các cấp và các cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện, tu dưỡng.

    Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” gồm 6 phần với những nội dung chính:

    Phê bình và sửa chữa: ở phần này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cán bộ và đảng viên ta, vì bận việc hành chính hoặc quân sự, mà xao nhãng việc học tập. Đó là một khuyết điểm rất to. Khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa. Từ nay, chúng ta cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm. Vì có tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có thể tiến bộ.”

    Người nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên cần kiên quyết khắc phục 3 loại khuyết điểm chính: “Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan; Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi; Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa.” Phương thức cơ bản để sửa chữa những khuyết điểm này là phải thông qua học tập, phê bình.

    Mấy điều kinh nghiệm: Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 6 kinh nghiệm từ thực tế hoạt động, công tác để cán bộ, đảng viên làm tốt công việc của mình. Những kinh nghiệm này đều gắn với yêu cầu khắc phục các khuyết điểm đã được chỉ ra ở phần trên.

    Tư cách và đạo đức cách mạng: Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ những lý tưởng, mục tiêu và nguyên tắc hoạt động cơ bản của Đảng ta; trách nhiệm của người đảng viên, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên; phân tích các khuyết điểm, thói tật, căn bệnh cụ thể mà họ thường mắc phải và cách khắc phục chúng. Người nhấn mạnh: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.

    Vấn đề cán bộ: Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích sâu sắc 5 nội dung cơ bản trong vấn đề chung về công tác cán bộ; chỉ ra phương hướng, biện pháp mà Đảng, Chính phủ cần thực hiện để sử dụng và phát huy tốt vai, trò tác dụng của đội ngũ cán bộ.

    Cách lãnh đạo: Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra phương pháp, cách thức để cán bộ, đảng viên thực hiện tốt vai trò phụ trách (quản lý) công việc và lãnh đạo đối với quần chúng nhân dân.

    Chống thói ba hoa: Người coi đây là một trong 3 khuyết điểm chính ở đội ngũ cán bộ, đảng viên, gây tác hại không nhỏ đối với công việc; đây là khuyết điểm về cách nói, cách viết của họ khi tiếp xúc, quan hệ với quần chúng nhân dân.

    Bố cục cuốn sách với những phần chính được trình bày như trên chứa đựng nhiều ý nghĩa quan trọng, hàm súc cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để hiểu sâu và lĩnh hội thấu đáo.

    Trong 6 phần chính của cuốn sách, có những nội dung được Hồ Chủ tịch đề cập nhiều lần như: vấn đề các khuyết điểm, thói tật, chứng bệnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên khi Đảng ta bước sang giai đoạn cầm quyền; việc xây dựng, củng cố đạo đức cách mạng cho đội ngũ này; vấn đề cán bộ và công tác cán bộ; nhiệm vụ giữ gìn mối liên hệ của Đảng với quần chúng nhân dân; yêu cầu tăng cường mục tiêu, lý tưởng cách mạng phục vụ quần chúng nhân dân cho cán bộ, đảng viên...

    Nội dung tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đề cập tới một chủ đề rất hệ trọng, rộng lớn, nhưng cũng hết sức cụ thể rõ ràng. Đặc biệt, Người nhấn mạnh, trong điều kiện mới, nhất là khi Đảng thực hiện vai trò cầm quyền, lãnh đạo đất nước, Đảng phải khắc phục nhiều khuyết điểm, chứng bệnh, thói tật tiêu cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà ở giai đoạn trước khi giành được chính quyền nó chưa xuất hiện hoặc chưa bộc lộ rõ. Những khuyết điểm đó gồm 3 loại chính là: bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Từ 3 loại chứng bệnh này, lại đẻ ra hàng chục thứ bệnh khác như: bệnh quan liêu, bệnh kiêu ngạo, óc địa phương, bệnh xa quần chúng, bệnh ích kỷ...

    Những biểu hiện tiêu cực này không chỉ gây khó khăn cho sự nghiệp kháng chiến đang ở giai đoạn bước ngoặt có tính sống còn của cả dân tộc, mà còn là nguy cơ đe dọa làm thoái hóa biến chất bản chất cách mạng của Đảng, lý tưởng mục tiêu và phẩm chất đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

    Cùng với việc chỉ ra và phân tích rõ khuyết điểm, Người cũng tập trung nêu lên những biện pháp toàn diện, đúng đắn và có tính hệ thống, đồng bộ để khắc phục khuyết điểm với phương hướng cơ bản là phải “Sửa đổi lối làm việc của Đảng”; mỗi cán bộ, đảng viên phải tự sửa đổi, tự sửa chữa khuyết điểm của mình, giữ gìn bản chất cách mạng và mục tiêu, lý tưởng của Đảng là phục vụ nhân dân, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức giác ngộ chính trị, tinh thần kỷ luật, tác phong quần chúng gần gũi, sâu sát nhân dân. Đồng thời, Đảng và Chính phủ phải tăng cường công tác cán bộ, chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất và năng lực mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên...

    Những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trong cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta lúc bấy giờ. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ dẫn và động viên sáng suốt, kịp thời và kiên quyết của Người, Đảng ta và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã kịp thời củng cố lực lượng, siết chặt đội ngũ, chấn chỉnh kỷ luật, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng, nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức; tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo quần chúng nhân dân, làm tốt nhiệm vụ cầm quyền, động viên toàn quân, toàn dân tích cực tham gia công tác, chiến đấu để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi cuối cùng.

    Mãi vẹn nguyên giá trị thời sự

    75 năm đã trôi qua, những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra và nhấn mạnh phải “sửa đổi” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc, vẫn luôn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động cho toàn Đảng và mỗi cán bộ Đảng viên.

    Nhiệm vụ cách mạng đề ra cho mỗi giai đoạn lịch sử luôn có sự thay đổi. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng cũng không dừng tại chỗ. Trong sự nghiệp đổi mới hơn 35 năm qua, Đảng ta luôn coi phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, liên tục, xuyên suốt các thời kỳ cách mạng. Coi công tác cán bộ là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt.

    Sau khi đất nước thống nhất, Đảng ta đặc biệt chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thể hiện trên ba nội dung lớn: Tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; Phát huy dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc; Chú trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa trong Đảng. Tư tưởng ấy được Đảng ta quán triệt sâu sắc, bằng những việc làm thường xuyên, liên tục tự chỉnh đốn nội bộ, mở nhiều đợt xây dựng, chỉnh đốn sâu rộng.

    Trước sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng được Đảng ta đặc biệt coi trọng. Từ các Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa VI) năm 1989, Đảng ta đã có chủ trương, nghị quyết nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trước tác động to lớn từ sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới.

    Đại hội VII của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991). Hội nghị Trung ương 3 (tháng 6-1992) đã ban hành Nghị quyết “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; trong đó, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm đã trở thành nguy cơ không thể xem thường, đó là: “Trong Đảng có một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, trong đó một số chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại, muốn đưa đất nước đi con đường khác; thậm chí đã có người phản bội, đầu hàng. Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa, hư hỏng.”

    Đến năm 1999, trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng bộc lộ một số yếu kém, như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 2/2/1999, “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.”

    Bước vào nhiệm kỳ Đại hội XI, Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

    Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...

    Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 4 của khóa XI, XII, XIII đã ban hành các nghị quyết, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021, "Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện 'tự diễn biến,' 'tự chuyển hóa'.”

    Đây là những dấu mốc rất quan trọng khẳng định Đảng ta luôn kiên định, kiên quyết, kiên trì và tập trung trí tuệ, tâm sức cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

    Bởi vậy, việc học tập và làm theo tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết, luôn mang tính thời sự đối với toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, để Đảng ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới./.

    Theo TTXVN

    Ghi rõ nguồn bennharong.vn khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.

    Bài viết khác