Nhằm thiết thực chào mừng Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14. Chiều 27/2/2025, Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh và khai mạc chuyên đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tiểu sử và sự nghiệp”.
Tham dự có Đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh; Đồng chí Thiếu tướng Phan Văn Xựng - Thành ủy viên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh; Đồng chí Đại tá Nguyễn Công Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh; Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Diễm - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Văn nghệ - Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Đồng chí Lưu Thị Tuyết Trinh - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; Đồng chí Phan Hiệp Hòa - Huyện Ủy viên Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Củ Chi; cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ và học viên nhà trường.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh là sự phối hợp thực hiện giữa Đảng ủy - Ban Giám hiệu Trường cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh được thiết kế, trưng bày đa dạng các tài liệu, hình ảnh, tư liệu giới thiệu chi tiết những sự kiện và các dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ gắn kết hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục quốc phòng nói riêng.
Sinh ra và lớn lên khi đất nước đang chìm đắm trong cảnh nô lệ, ngày 05/6/1911 người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xin làm phụ bếp trên con tàu Amiral Latouche Tréville bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Trong cuộc hành trình vạn dặm, Người đã gặp gỡ và tiếp thu Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương của Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên lựa chọn con đường cách mạng vô sản để giải phóng cho dân tộc. Sau ba mươi năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định trở về Tổ quốc, Người đã vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng chăm lo, giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người cho xã hội mới, cho dân tộc Việt Nam. Trên chặng đường lịch sử gần 80 năm xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, mỗi chiến công, mỗi bài học kinh nghiệm của đội quân cách mạng đều gắn liền với tình thương yêu, sự quan tâm giáo dục và lời cổ vũ thường xuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam.
Dù đã đi xa, nhưng sự nghiệp cách mạng và những di sản mà Người để lại là một tài sản vô giá cho dân tộc đó là tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời Người luôn phấn đấu, hy sinh để thực hiện một ham muốn, ham muốn tột bậc là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân tộc ta được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Dù ở bất kỳ cương vị nào Bác Hồ vẫn sống thanh bạch, giản dị nhưng ẩn chứa bên trong là một tình yêu bao la đối với con người. Vị chủ tịch với phong cách giản dị, luôn chân thành, gần gũi với tình yêu hòa bình cho nhân loại đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh: “Việc đưa công trình vào hoạt động sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, học viên, sinh viên học tập, công tác tại Trường có điều kiện tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn của dân tộc. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là nơi tôn vinh, giáo dục truyền thống mà còn là điểm đến ý nghĩa, góp phần lan tỏa sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ – những người sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp mà Người để lại.”
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu đã thành kính dâng hương tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao to lớn của Người – Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Các đại biểu đã được nghe thuyết minh chuyên đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tiểu sử và sự nghiệp”, giới thiệu những hình ảnh, tư liệu quý giá về thân thế và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, góp phần giáo dục và lan tỏa truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Cũng trong dịp này, Trung tướng Nguyễn Văn Nam đã tặng Bức tranh nói về 10 cách đánh giặc Mỹ cho Ban Giám hiệu Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh. Bức tranh không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, mà còn là lời nhắc nhở về tinh thần chiến đấu, sự sáng tạo và lòng yêu nước của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Một số hình ảnh: